Phò mã lang Dương Tự Minh lập công việc chiêu dân an cư lạc nghiệp

Thứ sáu - 25/10/2019 09:34
Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, ở xã Quán Triều, tổng Sơn Cẩm, huyện Phú Lương (nay là phường Quán Triều, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), tấm bia Quang Vinh phúc thần sự lục bi ký, hiện đặt tại đình Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên, ghi rõ “là bậc anh hào trong đám thổ tù Phú Lương". Khoảng năm 1127, ông đã là thủ lĩnh ở phủ Phú Lương. Đây chính là địa bàn đã từng nổ ra cuộc nổi dậy của Thân Lợi chống lại triều đình nhà Lý.
Đền thờ Quán Triều, xã Hưng Đạo (TP Cao Bằng).

Những cuộc nổi dậy của dân tộc thiểu số nói chung đã khiến triều đình nhà Lý phải đối phó vất vả. Tình hình an ninh ở các vùng biên viễn mà nhà nước không kiểm soát được luôn là mối lo thường trực của các vua nhà Lý. Có lẽ từ những khó khăn trong việc giành và giữ đất đai vùng biên viễn, nên các vua Lý thấy không thể giữ mãi một phương thức cổ truyền của chính sách nhu viễn.
Trước tình hình đó, triều đình nhà Lý đã phải dùng chính sách phủ dụ tha cho những đồng đảng bị coi là bị ép theo quân nổi dậy. Không những thế, triều đình còn dùng những thủ lĩnh người dân tộc ở địa phương để vỗ về dân chúng. Tháng 12/1127, thủ lĩnh dân tộc Tày ở Phú Lương là Dương Tự Minh đã được vua Lý gả công chúa Diên Bình nhằm ràng buộc họ hơn với triều đình. Đến năm 1142, do tình hình ở châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) vẫn phức tạp, triều đình đã cử Dương Tự Minh lên trị nhậm.

Các sách sử của ta đều ghi lại sự kiện, tháng 10 năm Nhâm Tuất (1142), triều đình lệnh cho: “Dương Tự Minh đi Quảng Nguyên chiêu tập người trong châu trước kia bị xiêu dạt, trốn tránh”. Như vậy, khi được triều đình giao cho trọng trách đi chiêu tập dân lưu tán ở châu Quảng Nguyên, Dương Tự Minh đã là Phò mã lang của triều đình nhà Lý. Việc nhà nước cho người đi chiêu tập dân lưu tán sau những đợt thiên tai, địch họa... ở thời kỳ sau này là chuyện bình thường, nhưng ở thế kỷ XI đây là lần đầu tiên và duy nhất. Vì sao vùng Quảng Nguyên từng là đại bản doanh của một dòng họ lớn như họ Nùng, đã từng được Nùng Trí Cao coi là “kinh đô của nước Trường Sinh” do ông tự lập lại trở nên tiêu điều như vậy?
Sở dĩ có lệnh này là do tình hình loạn lạc mấy chục năm trước, có nhiều sự kiện binh lửa kéo dài, năm 1076, châu Quảng Nguyên lại bị nhà Tống xâm chiếm. Năm 1079, nhà Tống trả lại cho ta nhưng dân địa phương phần lớn đã bị xiêu dạt, bỏ trốn… Thêm nữa cuộc nổi dậy của Thân Lợi vào năm trước (1141) ở các vùng lân cận như Thượng Nguyên, Tuyên Hóa, Cảm Hóa, Vĩnh Thông với số người tham gia ước tính khoảng một nghìn người, sau đó bị triều đình đàn áp cũng ảnh hưởng nhiều đến vùng này... Rất tiếc do sự khan hiếm của tư liệu, chúng ta không biết rõ Dương Tự Minh đã làm cách nào để chiêu tập được người dân về lại quê hương, bản quán để “an cư lạc nghiệp”. Chỉ biết rằng sau một quá trình làm việc có hiệu quả, ông được triều đình tín nhiệm cất nhắc giao cho “cai quản công việc các khê động dọc biên giới về đường bộ”.
Việc triều đình cử Dương Tự Minh đến vùng này chiêu tập dân trở về quê hương, bản quán để sinh sống, làm ăn rõ ràng là một kế sách hiệu quả để giữ dân, giữ đất. Có lẽ vì thế mà năm 1144, khi đang trị nhậm tại Cao Bằng, Dương Tự Minh lại một lần nữa được vua Lý gả công chúa Thiều Dung. Dương Tự Minh có thể là người duy nhất trong lịch sử hai lần được gả công chúa làm vợ. Từ đây, Phò mã lang Dương Tự Minh đã trở thành một viên trấn thủ xuất sắc ở vùng biên giới phía Bắc. Chiến công của Dương Tự Minh đánh tan đám giặc nước Tống do Đàm Hữu Lượng cầm đầu từ nước Tống sang cướp bóc chiếm giữ vùng động Cát Khê, Quảng Nguyên vào năm 1145 đã chứng minh điều đó.
Như vậy trong chính sách nhu viễn của nhà Lý, đến thời vua  Lý Anh Tông (1138 - 1175) đã có những biện pháp sáng tạo mang tính thực tế hơn. Qua việc nhà Lý sử dụng Dương Tự Minh trong việc cai quản vùng đất Quảng Nguyên và trấn trị toàn bộ khu vực biên giới phía Bắc, có thể thấy lúc này triều đình không cần sử dụng đội ngũ tù trưởng dòng dõi, để quản lý cai trị ngay tại quê hương bản quán, mà có thể điều động những tù trưởng từ vùng khác đến. Để các thủ lĩnh này có thể tạo được uy tín tại địa bàn mới, ngoài đức độ, phẩm chất cá nhân, họ sẽ phải làm việc gây dựng cơ đồ cho chính mình và chính người dân của mình.
Đền thờ Quán Triều ở làng Xuân Lĩnh, vùng Quảng Nguyên, (nay thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) còn lại cho đến ngày nay là do dân lập, để tưởng nhớ công lao của Phò mã lang Dương Tự Minh với vùng đất mà ông đã coi như quê hương thứ hai của mình.
        

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

x
LIÊN KẾT
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay70
  • Tháng hiện tại2,033
  • Tổng lượt truy cập637,424
s
© 2019 WEBSITE HỌ DƯƠNG TỈNH CAO BẰNG All rights reserved
Email: hoduongcaobang@gmail.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Thường trực Hội đồng Họ Dương tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn http://hoduongcaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây